Tết Trung thu cổ truyền

Tết Trung Thu là một lễ hội cổ xưa tại các quốc gia Đông Á như Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, ngày này cũng là ngày nghỉ lễ tại một số quốc gia như Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ở Việt Nam, Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, nay đã trở thành ngày tết của trẻ em, được gọi bằng những cái tên khác nhau tùy theo từng thời điểm và vùng miền như Tết thiếu nhi, Tết trông trăng hay Tết hoa đăng… Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì được tặng đồ chơi thường là đèn ông sư, đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he, đầu sư tử… Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ, chén bánh nướng, bánh dẻo… Ở một số nơi đô thị người ta còn tổ chức đánh trống múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

  Tết Trung thu cổ truyền

Cho đến bây giờ, có nhiều quan điểm về nguồn gốc của Tết Trung thu. Có quan điểm cho rằng Tết Trung Thu với tục lệ treo đèn lồng, bày cỗ bắt nguồn từ điển tích xưa gắn liền với vua Đường Minh Hoàng. Tích xưa kể rằng: Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong hình dáng một ông lão râu tóc bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng Hàn. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết trông Trăng. Còn theo quan điểm của các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay thì hình ảnh về Tết Trung thu đã xuất hiện trên trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Chính bản thân người Trung Hoa cổ đại cũng cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung thu được bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước của các cư dân nông nghiệp, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông nhàn, người dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa bận rộn.

Theo tác giả Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục: “Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hóa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá, trâu bò, lợn gà…”.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để trẻ em rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh nướng, bánh dẻo, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu.

Tết Trung thu cổ truyền

Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu.

Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử. Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục hát trống quân do từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, “nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân”. Một số quan điểm nghiên cứu hiện nay thì cho rằng tục hát trống quân, theo như truyền thuyết thì có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Khi hát đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng “thình thùng thình” làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.

Phong tục trông trăng của người Việt liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng.

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha mày cắt cỏ trên trời
Mẹ mày cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút, cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa…

Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc cây, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa.

Đồ trẻ con chơi trong Tết trung thu là các thứ bồi bằng giấy như ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa, đèn ông sư, đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he, đầu sư tử… Trẻ con buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Tết Trung thu cổ truyền

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.

Hướng tới mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Nhân dịp trung thu 2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân dân gian phục dựng và tái hiện một phần Tết trung thu xưa tại Hoàng thành Thăng Long, lễ hội dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 28-9 đến 4 -10. Đêm bế mạc sẽ có hoạt động Đêm rằm phá cỗ thời gian từ 19h – 21h30 để các em nhỏ vừa vui chơi vừa trông trăng tại sân Đoan Môn. Trung thu 2017 hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho các bạn thiếu nhi, nhân dân cả nước và du khách quốc tế khi đến thưởng lãm.